Trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp đối với doanh nghiệp thẩm định giá ra sao?

Trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp đối với doanh nghiệp thẩm định giá ra sao?

Có hiệu lực thi hành từ ngày 03/9/2021, Thông tư số 60/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính nêu rõ các vấn đề liên quan đến việc trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp đối với doanh nghiệp thẩm định giá.

Ngày 21/7/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 60/2021/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2014/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá.

Có hiệu lực thi hành từ ngày 03/9/2021, Thông tư số 60/2021/TT-BTC nêu rõ các vấn đề liên quan đến việc trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp đối với doanh nghiệp thẩm định giá. Cụ thể, doanh nghiệp thẩm định giá được mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp thẩm định giá theo quy định của pháp luật kinh doanh bảo hiểm. Chi phí mua bảo hiểm được tính vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp thẩm định giá theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trường hợp doanh nghiệp thẩm định giá không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp thẩm định giá thì phải trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp với mức trích hàng năm là 1% trên doanh thu dịch vụ thẩm định giá (doanh thu không có thuế giá trị gia tăng), được hạch toán như trường hợp trích lập dự phòng phải trả. Doanh nghiệp phải xây dựng và ban hành quy chế nội bộ quản lý và sử dụng quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp.

Khi quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp có số dư cuối năm tài chính tương đương 10% doanh thu dịch vụ thẩm định giá trong năm tài chính thì không tiếp tục trích quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp nữa.

Trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động thẩm định giá thì số dư quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp đã trích lập nhưng chưa sử dụng hết được hạch toán vào thu nhập khác.

Add a Comment

Your email address will not be published.